Tin tức

Nông nghiệp công nghệ cao và tiềm năng phát triển tại Việt Nam

Hội thảo chuyên đề "Nông nghiệp công nghệ cao và tiềm năng phát triển tại Việt Nam" do PGS.TS Bùi Văn Lệ - ngành Công nghệ tế bào thực vật Trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM và Doanh nhân Nguyễn Đức Huy trình bày đã diễn ra thành công vào cuối tuần qua tại CS6 – Trung tâm Nghiên cứu khoa học và Ứng dụng Đại học Lạc Hồng.

Chương trình được ngành Công nghệ Sinh học, Khoa Kỹ thuật Hoá học & Môi trường tổ chức, qua đó thu hút đông đảo giảng viên, sinh viên yêu thích lĩnh vực Công nghệ Sinh học tham dự. Hội thảo còn có sự trao đổi của TS. Nguyễn Huỳnh Bạch Sơn Long - Trưởng Khoa Kỹ thuật Hoá học & Môi trường và các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực Công nghệ sinh học...

Doanh nhân Đức Huy

Doanh nhân Nguyễn Đức Huy chia sẻ kinh nghiệm

phát triển mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại trang trại của mình tại Đà Lạt

Tại hội thảo PGS. TS Bùi Văn Lệ đã trình bày nội dung “Công nghệ thuỷ canh trong sản xuất thực phẩm sạch và an toàn”. Riêng Doanh nhân Nguyễn Đức Huy, anh đã chia sẽ với sinh viên hình ảnh “Cận cảnh nông nghiệp công nghệ cao và tiềm năng phát triển tại Việt Nam” thông qua chính mô hình hoạt động thực tế từ trang trại rộng hàng trăm hecta của anh trên Đà Lạt.

Phần thảo luận trực tiếp với những nhân vật giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực nghiên cứu, sản xuất ứng dụng Công nghệ sinh học góp phần giúp sinh viên định hình được hướng đi trong tương lai sau khi tốt nghiệp. Hiện tại, việc tổ chức những buổi hội thảo như thế này đã cung cấp cho sinh viên một lượng kiến thức không nhỏ trong quá trình học tập và làm nghiên cứu khoa học.

giảng viên ngành công nghệ sinh học

Giảng viên trao đổi với báo cáo viên tại hội thảo

PGS.TS Bùi Văn Lệ cho biết, từ năm 2010 chúng ta đã tiếp nhận và làm chủ một số công nghệ sinh học hiện đại, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất phù hợp với điều kiện cụ thể của ngành nông nghiệp nước ta, chọn tạo được một số dòng cây trồng công nghệ sinh học trong phạm vi phòng thí nghiệm và thử nghiệm trên diện tích rộng. Năm 2015 các đơn vị nghiên cứu tích cực đưa một số cây trồng công nghệ sinh học vào sản xuất như bông, ngô và đậu tương. Hướng đến năm 2020 diện tích giống cây trồng mới tạo ra bằng các kỹ thuật của Công nghệ sinh học chiếm trên 70%, trong đó cây trồng Công nghệ sinh học chiếm 30-50% diện tích... Trong tương lai, nông nghiệp công nghệ cao dần chiếm vị trí không nhỏ trong đời sống. Kéo theo đó, lực lượng kỹ sư ngành Công nghệ sinh học vững tay nghề sẽ có chỗ đứng vững vàng...

sinh viên

Sinh viên hào hứng đặt câu hỏi về định hướng phát triển nghề nghiệp trong tương lai

Qua đó, Doanh nhân Nguyễn Đức Huy dành lời khuyên cho sinh viên: “Các bạn cần có định hướng tương lai, rồi học sâu về chuyên ngành, tận dụng cơ hội thực tập thực tế. Nếu muốn ứng dụng tốt các công nghệ cao thì phải rèn luyện kỹ năng ngoại ngữ để dễ dàng tiếp cận với trình độ tiên tiến của nước ngoài và biết cách áp dụng thực tế, tự mình làm chủ sản phẩm do mình làm ra...”

Những lời chia sẻ của Doanh nhân Nguyễn Đức Huy cũng chính là định hướng chương trình đào tạo của Khoa và nhà trường trong thời gian qua. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám hiệu nhà trường, Ban Lãnh đạo Khoa không ngừng đẩy mạnh hoạt động giảng dạy, gắn liền thực tập thực tế, đầu tư trang thiết bị để giờ thực hành của sinh viên trở nên sinh động và thu hút, phối hợp với các nhà nghiên cứu, giáo sư, tiến sĩ giàu kinh nghiệm để truyền đạt cho sinh viên những bí quyết nghiên cứu và phát triển ngành nghề. Cạnh đó, Khoa mở rộng mối liên kết đào tạo và tuyển dụng với các doanh nghiệp để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho Ngành ...

D.N

công nghệ, sinh học


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        5,306,093       19/990